Fluorouracil có hiệu quả làm thuyên giảm các bệnh carcinom đại tràng, trực tràng, vú và dạ dày. Thuốc có hiệu quả kém hơn trong điều trị carcinom buồng trứng, cổ tử cung, bàng quang, gan và tụy.
Ung thư thực quản, ung thư đầu - cổ
Ung thư đường mật, ung thư biểu mô thận.
Quá mẫn với thành phần thuốc. Thay đổi nghiêm trọng số lượng huyết cầu. Suy thận, suy gan nặng. Zona, thủy đậu, viêm miệng, loét miệng, loét tiêu hóa, viêm ruột màng giả. Có thai & cho con bú.
Người bệnh suy dinh dưỡng; suy tủy; nhiễm khuẩn nặng; người bệnh có tiền sử quá mẫn cảm với thuốc.
Người bị thiếu hụt enzym dihydroxypyrimidin dehydrogenase (DPD)
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
Ca folinate. Acid folinic, chlorodiazepoxide, disulfam, griseofulvin, isoniazid. Pyramidon, sulfamide. Mitomycin.
Phản ứng có hại: Suy tủy, giảm bạch cầu, thiếu máu, rối loạn tiêu hóa, viêm loét đường tiêu hóa, viêm da, mề đay, ngứa. Suy gan, suy thận.
Fluorouracil là thuốc có độc tính cao, chỉ số điều trị rất thấp. Thuốc có độc tính cao với máu, gây chảy máu đường tiêu hóa, thậm chí tử vong. Thuốc chỉ được dùng dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc có kinh nghiệm sử dụng hóa trị liệu chữa ung thư và các chất chống chuyển hóa. Người bệnh cần nằm viện, ít nhất trong đợt điều trị đầu tiên.
Cần báo cho người bệnh biết về tác dụng độc hại có thể xảy ra, đặc biệt là các biểu hiện ở miệng. Nếu xảy ra nôn không khắc phục được, phải ngừng thuốc ngay. Hàng ngày phải hỏi người bệnh và khám miệng để phát hiện sớm viêm miệng. Nếu có các biểu hiện viêm miệng như đỏ niêm mạc miệng, loét trong miệng, hoặc các biểu hiện viêm họng thực quản như đau cổ, khó nuốt, cần phải ngừng thuốc. Nếu xuất hiện tiêu chảy, loét hoặc chảy máu dạ dày hoặc xuất huyết ở bất cứ nơi nào, đều phải ngừng thuốc ngay.
Do leucovorin calci làm tăng độc tính của thuốc, nên khi phối hợp leucovorin với fluorouracil cần hết sức thận trọng với người cao tuổi và người bệnh suy nhược vì những đối tượng này rất nhạy cảm với độc tính của fluorouracil.
Cần đếm bạch cầu trước mỗi lần dùng fluorouracil. Nếu lượng bạch cầu giảm nhanh hoặc dưới 3500/mm3 hoặc nếu số lượng tiểu cầu dưới 100000/mm3 phải ngừng dùng thuốc. Nếu số lượng bạch cầu duới 2000/mm3, người bệnh phải được cách ly và cần có các biện pháp thích hợp để ngăn chặn nhiễm khuẩn.
Người bệnh suy dinh dưỡng, suy tủy xương do các đợt điều trị trước hoặc bị thâm nhiễm các tế bào ác tính, càng có thể dễ ngộ độc nặng với fluorouracil. Cần dùng hết sức thận trọng cho người bệnh đã điều trị phóng xạ liều cao, hoặc đã dùng các tác nhân alkyl hóa, và các người bệnh suy gan, thận, đặc biệt là những người đã có di căn rộng vào cả tủy xương.
Giảm liều ở người bị suy gan hoặc suy thận
Độc tính của thuốc tăng ở người bị thiếu hụt DPD do di truyền. Phải ngừng thuốc nếu có triệu chứng do thiếu DPD.
Cách dùng:
* Những chú ý khi thao tác:
Fluorouracil gây kích ứng khi tiếp xúc với da và niêm mạc.
Chỉ nhân viên được đào tạo sử dụng các thuốc độc tế bào mới được mở ống thuốc, người mang thai tránh thao tác. Khi pha chế dung dịch, phải tiến hành ở một nơi riêng, thao tác trên khay rửa được hoặc trên giấy thấm dùng một lần, có mặt dưới bằng chất dẻo. Cần đeo kính bảo vệ mắt, đi găng tay dùng một lần, đeo khẩu trang, mặc áo choàng dùng một lần. Bơm tiêm và bộ truyền dịch phải lắp ráp cẩn thận tránh rò rỉ.
Khi hoàn tất công việc, phải vệ sinh sạch các mặt tiếp xúc với thuốc (mặt bàn, mặt sàn), rửa sạch mặt và tay.
* Tiếp xúc và xử lý:
Nếu thuốc vào mắt: Rửa ngay với nhiều nước và dùng các biện pháp chữa trị.
Nếu thuốc tiếp xúc với da: Rửa kỹ với nước xà phòng, bỏ ngay quần áo bị dính fluorouracil.
Nếu hít hay uống phải thuốc: Phải dùng ngay các biện pháp chữa trị.
* Hướng dẫn cách tiêu hủy rác thải:
Các vật sắc nhọn phải để vào thùng đựng thích hợp.
Các dung dịch ống tiêm phế thải, phải thấm bằng bông rồi cho vào hai lần túi polyethylen hàn kín.
Tất cả các phương tiện dùng một lần phải cho vào túi nhựa dẻo.
Tất cả phải thiêu cháy cùng với rác thải bệnh viện.
Liều lượng:
* Dùng cho người lớn
Tiêm tĩnh mạch hay truyền tĩnh mạch:
Fluorouracil có thể tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch. Liều dùng thường dựa vào thể trọng người bệnh. Nếu béo phì, hoặc tăng trọng do phù cổ trướng hoặc các dạng giữ nước khác thì tính theo trọng lượng lý tưởng. Liều dưới đây có thể giảm đi 1/3 hoặc 1/2 nếu thể trạng người bệnh dinh dưỡng kém, sau phẫu thuật lớn (trong vòng 30 ngày), suy tủy xương (thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu), suy gan, suy thận.
- Ðiều trị khởi đầu: Có thể truyền hoặc tiêm tĩnh mạch, nhưng truyền được ưa dùng hơn vì ít độc hơn.
+Truyền tĩnh mạch: 15 mg/kg/ngày, không quá 1 g cho 1 lần truyền. Thuốc được hòa trong 500 ml dextrose 5% hoặc 500 ml natri clorid 0,9%, truyền tốc độ 40 giọt/phút trong 4 giờ hoặc truyền trong 30 - 60 phút hoặc truyền liên tục trong 24 giờ. Liều hàng ngày này được truyền liên tiếp cho đến khi độc tính xuất hiện hoặc cho đến khi được 12 - 15 g. Ðây là 1 đợt điều trị. Một số người bệnh dùng tới 30 g với liều tối đa 1 g/ngày. Liều hàng ngày không bao giờ được quá 1 g. Giữa 2 đợt điều trị nên nghỉ 4 - 6 tuần.
+ Tiêm tĩnh mạch: 12 mg/kg/ngày, liền 3 ngày. Nếu không xuất hiện ngộ độc thuốc có thể dùng 6 mg/kg/ngày vào ngày thứ 5, thứ 7 và thứ 9. Nếu xuất hiện nhiễm độc thì ngừng cho đến khi các dấu hiệu ngộ độc rút mới dùng liều tiếp theo.
- Liều duy trì: 5 - 15 mg/kg, 1 tuần 1 lần tiêm tĩnh mạch.
Gần đây, người ta thường dùng liều 15 mg/kg tiêm tĩnh mạch, mỗi tuần một lần trong suốt cả đợt điều trị, như vậy không cần dùng liều khởi đầu nữa.
Truyền vào động mạch vùng:
Việc truyền thuốc liên tục vào động mạch nuôi dưỡng khối u cho kết quả tốt hơn khi dùng đường toàn thân qua truyền tĩnh mạch, đồng thời giảm được độc tính. Liều thường dùng 5 - 7,5 mg/kg/ngày.
Phối hợp với tia xạ:
Sự phối hợp này có hiệu quả tốt trong một vài loại tổn thương di căn ở phổi và có tác dụng giảm đau cho những trường hợp tái phát không thể mổ được. Dùng theo liều thông thường.
* Dùng cho người cao tuổi:
Dùng tương tự như người trẻ, mặc dù tỷ lệ các tác dụng phụ cao hơn.
* Dùng cho trẻ em:
Chưa có liều khuyến cáo để dùng cho trẻ em.